– Ở một đất nước nhiệt đới, cận xích đạo như Việt Nam thì việc sở hữu một chai kem chống nắng là một điều vô cùng cần thiết và gần như là một vật bất ly thân với mọi cô gái. Đặc biệt, với những bạn sở hữu làn da nhạy cảm thì kem chống nắng lại càng cần thiết hơn. Tuy nhiên, không phải loại chống nắng nào cũng phù hợp với da bạn, sau đây CHYAKI xin bật mí một vài mẹo giúp Bạn dễ dàng chọn cho mình một sản phẩm chống nắng phù hợp nhất.
– Để chống được nắng, trước tiên Bạn cần biết về nắng: nắng thật ra đó là các tia bức xạ có bước sóng khác nhau, được truyền từ mặt trời đến trái đất của chúng ta. Nó được phân thành nhiều loại dựa vào bước sóng chúng tạo ra khi di chuyển:
Loại tia sáng | Bước sóng | Tỉ lệ các loại tia sáng khi tới mặt đất |
Tia tử ngoại UVC | 100 – 290 nm | 0% |
Tia tử ngoại UVB | 290 – 320 nm | 0.5% |
Tia tử ngoại UVA | 320 – 400 nm | 9.5% |
Ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt thường | 390 – 790 nm | 40% |
Tia hồng ngoại | Trên 700 nm | 50% |
– Trong đó UVC là loại tia có bước sóng ngắn nhất và cũng là loại có khả năng hủy diệt cao nhất, động vật sẽ bị chết khi tiếp xúc với UVC. Nhưng thật may, chúng bị ngăn lại bởi tầng khí quyển trái đất.
– Sau UVC, lần lượt là UVB và UVA, đây là 2 loại tia mà chúng ta cần quan tâm khi chống nắng.
– UVB chỉ chiếm 0,5% tổng số bức xạ từ mặt trời chiếu xuống mặt đất, nhưng là tia bức xạ gây hại thứ 2, chỉ sau UVC. Tia UVB có khả năng gây hại cao nhưng rất dễ bị cản lại bởi những vật cản thông thường như cửa kính, quần áo, … và nếu nó tiếp xúc với da thì chỉ thâm nhập được vào tầng biểu bì. Các tác hại mà tia UVB trực tiếp gây ra cho da là các vấn đề ở tầng biểu bì như: khô da, sạm da, cháy nắng, nám, tàn nhang, đồi mồi, kích ứng, … Lượng tia UVB ở mỗi thời điểm trong ngày có sự khác nhau, nhiều nhất là vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Lượng UVB trong mùa hè cao hơn mùa đông.
– UVA là loại có bước sóng ngắn (từ 320 – 400 nm), nó có thể ảnh hưởng đến tầng trung bì gây ra sạm da, nám da, phá hủy collagen, khiến da mất độ săn chắc.
– “Chống nắng” là một khái niệm dễ hiểu nhằm, vì có vẻ như mọi người nghĩ rằng “nắng” là ánh sáng chói chang và gây nóng bức. Trên thực tế, ánh sáng mà mắt thường của chúng ta nhìn thấy được không phải là mối quan tâm của các nhà sản xuất mỹ phẩm. Thứ chúng ta cần chống chính là tia UV, nó không chỉ là ánh nắng chói chang chứa nhiều UVB của mùa hè, mà còn phải chống cả UVA, thứ được coi là “kẻ sát nhân thầm lặng”. Nó xuất hiện bất cứ khi nào có ánh sáng, vào mọi thời điểm có ánh sáng, mùa đông cũng như mùa hè. Một phần UVA còn có thể đi xuyên qua cửa kính.
– Trong khi SPF là chỉ số thể hiện khả nẳng bảo vệ da khỏi tia UVB thì chỉ số chống tia UVA đến nay vẫn chưa được thống nhất và vẫn còn đang trong quá trình tranh luận:
– Ở Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa thông qua thang đánh giá dành cho UVA. Các nhà sản xuất kem chống nắng tại Mỹ tạm thời ghi trên nhãn mác là “Broad Spectrum SPF”, nghĩa là chỉ số chống nắng của họ hoạt động được trên một quang phổ rộng, vượt ngoài phạm vi bước sóng 290-320 nm của UVB và có một phần tác động nào đó đến UVA (bao nhiêu phần của UVA thì họ không xác định được).
– Ở Vương quốc Anh thì sử dụng hệ thống đánh giá 5 sao Boots và Nhật Bản thì đưa ra ký hiệu PA.
– Hiện tại, vì PA đang là hệ thống đánh giá phố biến nhất ở Việt Nam, nên chúng ta sẽ nói về PA.
– Bên dưới là biểu đồ thể hiện chỉ số và khả năng chống lại tia UVA
Biểu đồ chỉ số SPF và khả năng chống tia UVB Biểu đồ chỉ số PA và khả năng chống tia UVA
– Hầu hết người tiêu dùng thường tin rằng chọn kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da sẽ càng tốt, càng hiệu quả. Nhưng thực tế điều này không hoàn toàn đúng.
– Nếu áp theo các chỉ số tính khả năng chống nắng thông thường, có thể nhận thấy chỉ số chống nắng càng cao, khả năng chống nắng càng nhiều. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy rằng việc sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao chưa chắc đã tốt và phù hợp cho làn da của bạn. Hơn nữa, những loại kem chống có SPF từ 75-100 cũng sẽ chỉ có những khả năng chống nắng tốt hơn 1 chút so với SPF 50, song lại không mang nhiều lợi ích cho làn da. Việc này được lý giải như sau: Các loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF cao thường tập trung vào việc chống UVB+ hơn là UVA, cùng với đó thời gian chống nắng của kem chống nắng SPF trên 60 cũng không cao hơn loại SPF 50 là bao. Song song đó, khi độ SPF càng lớn, lúc apply trên da kem sẽ lưu lại lâu hơn, dễ gây bít lỗ chân lông và làm da bị tổn thương, từ đó nhanh chóng xuất hiện các dấu hiệu lão hóa.
– Theo định mức quốc tế, thì 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UVB trong khoảng 10 phút. Điều này đồng nghĩa với việc 1 loại kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ hoạt động hiệu quả trong vòng 150 phút, còn SPF 50 là 500 phút. Tuy nhiên, Bạn sẽ không thể bôi sản phẩm SPF 50 một lần mà ra ngoài trời trong vòng 500 phút (hơn 8 giờ), vì kem chống nắng của bạn sẽ trôi theo mồ hôi và khi bạn chạm vào các đồ vật. Các chuyên gia khuyên bạn nên thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ sẽ mang lại hiệu quả tối ưu nhất
– Bên dưới là bảng chỉ số SPF (chống UVB) và chỉ số PA (chống UVA) mà chị em cần biết khi chọn kem chống nắng.
Chỉ số SPF | Khả năng chống UVB | Thời gian chống UVB | Chỉ số PA | Khả năng chống UVA | Thời gian chống UVA | |
SPF2 | 50% | 20 phút | PA+ | 50 – 70% | 2 – 4 giờ | |
SPF4 | 75% | 40 phút | PA++ | 75 – 86% | 4 – 8 giờ | |
SPF8 | 88% | 80 phút | PA+++ | 88 – 93% | 8 – 16 giờ | |
SPF10 | 90% | 100 phút | PA++++ | > 93% | trên 16 giờ | |
SPF15 | 93% | 150 phút | ||||
SPF 30 | 97% | 300 phút | ||||
SPF50 | 98% | 500 phút | ||||
SPF70 | 98.60% | 700 phút | ||||
SPF100 | 99% | 1000 phút |
– Các chuyên gia da liễu khuyên bạn nên dùng các loại kem chống nắng có chỉ số từ SPF 30 đến SPF 60. Những sản phẩm có chỉ số chống nắng SPF nhỏ hơn 30 sẽ chỉ làm tiêu hao túi tiền của bạn và mang lại hiệu quả không như mong đợi. Các chỉ số SPF rất cao (60 – 100) chỉ nên sử dụng ở những vùng da đặc biệt như đang điều trị nám hay dị ứng ánh nắng.
– Tuy nhiên, vẫn có một lưu ý nhỏ, nếu tình trạng da của bạn đang là mụn viêm sưng, thì lời khuyên là bạn chỉ nên dùng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 15 – 30 để tránh cách kích ứng không mong muốn nhé.
– Thành phần vật lý là những hạt vô cơ nhỏ, mịn. Chúng ngăn cản tia UV bằng cách phản xạ hoặc phân tán chúng, không cho chúng xâm nhập vào da. Có hai chất dạng này được sử dụng phổ biến và rất an toàn với da là zinc oxide (kẽm oxit) và titanium dioxide (titanium dioxit).
– Thành phần hóa học: các thành phần này có công dụng tương tự như melanin trong da, hấp thụ tia UV và chuyển chúng thành nhiệt. Nhiệt sinh ra do quá trình chuyển hóa này có thể gây kích ứng cho một số người.
– Mặc dù cả 2 loại kem chống nắng sunblock và sunscreen đều có khả năng chống tia UV, tuy nhiên cách thức hoạt động của chúng lại hoàn toàn khác nhau. Bảng so sánh dưới đây giúp bạn hiểu hơn về 2 loại kem chống nắng này và có sự lựa chọn phù hợp nhất cho làn da của bạn:
Kem chống nắng vật lý | Kem chống nắng hóa học |
Sử dụng những thành phần chống nắng từ khoáng chất như oxy kẽm và titanium dioxit | Sử dụng các thành phần chống nắng hóa học như avobenzone, dioxybenzone, octyl salicylate, oxybenzone,… |
Bám trên bề mặt da và thường để lại màu trắng trên da khi thoa. | Thẩm thấu vào da, tạo cảm giác khô ráo thoải mái, tự nhiên, ít để lại màu trắng trên da. |
Phản chiếu lại tia UVA, UVB và ngăn chặn chúng không thể chạm đến da | Hấp thụ tia UV và chuyển chúng thành nhiệt |
Có hiệu quả trong việc bảo vệ cả tia UVA và UVB | Thường chỉ chống được UVB, khả năng chống UVA thấp |
Cần phải bôi 1 lớp dày thì sản phẩm mới phát huy công dụng | Phải bôi lại sau vài giờ bởi các thành phần trong kem chống nắng dễ bị phá vỡ bởi nhiệt sinh ra khi tia nắng chiếu vào |
Không thẩm thấu vào da nên hầu như không gây kích ứng cho da. Phù hợp cho da nhạy cảm | Nhiệt sinh ra do quá trình hấp thụ tia UV có thể gây kích ứng da, và thường không dùng được cho da nhạy cảm. |
Ít được in chỉ số chống nắng | Thường được in chỉ số chống nắng (SPF) ngay trên bao bì |
Thoa các loại kem dưỡng trước, bởi vì kem chống nắng vật lý thường phải thoa một lớp dày, mà các chất này lại chỉ nằm trên bề mặt da, nếu thoa kem dưỡng sau thì các dưỡng chất sẽ không thể thẩm thấu vào da và mất tác dụng. | Nên thoa kem chống nắng trước khi thoa các loại kem dưỡng, vì các dưỡng chất có trong kem chống nắng hóa học cần phải thẩm thấu vào da mới phát huy tác dụng. |
Có thể ra nắng ngay sau khi thoa kem | Cần có thời gian để kem thấm vào da trước khi ra nắng (thường khoảng 20 phút) |
– Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, hầu hết mọi người đều chưa thể khai thác đúng các chỉ số SPF và PA như các sản phẩm chống nắng ghi trên nhãn. Cách sử dụng đúng như sau:
– Khi thoa kem chống nắng, bạn nên vỗ sản phẩm lên da, không nên dùng tay để miết mạnh lên da, vì miết sẽ tạo ra một màng chống nắng mỏng hơn so với tiêu chuẩn.
– Bạn cần phải thoa lại kem chống nắng sau mỗi vài tiếng. Vì: kem chống nắng dễ bị trôi theo mồ hôi hoặc khi da tiếp xúc với các đô vật khác. Và các thành phần chống nắng hóa học khi gặp tia cực tím sẽ bị biến đổi và không còn khả năng chống nắng như ban đầu. Bạn nên thoa lại sản phẩm sau mỗi 2 tiếng nếu bạn hoạt động ngoài trời và ra nhiều mồ hôi. Còn nếu bạn không hoạt động ngoài trời, ít đổ mồ hôi thì một ngày bạn chỉ cần thoa kem chống nắng 2 lần.
– Nếu bạn có một quy trình chăm sóc da nhiều bước vào buổi sáng, thì kem chống nắng nên là sản phẩm thoa sau cùng (chỉ trước bước trang điểm).
– Làn da rất dễ bị mất nước khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đặc biệt là dưới tác động trực tiếp của nắng, gió, nhiệt độ cao, … Da mất nước sẽ trở nên ốm yếu, mệt mỏi, khởi đầu cho nhiều bệnh lý khác của làn da như: da bong tróc, nứt nẻ, lên vảy, sần sùi và không bóng mượt. Da có thể trở nên nhiều dầu, nổi mụn và rất dễ kích ứng.
– Việc bổ sung các thành phần dưỡng ẩm vào kem chống nắng sẽ giúp giảm stress cho da, làn da luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, hạn chế tình trạng kích ứng, đồng thời da sẽ trở nên mềm mại và tươi tắn hơn.
– Một tính năng rất hữu ích khác mà rất có thể nhiều chị em sẽ bỏ qua khi chọn cho mình một lọ kem chống nắng, đó là nền kem.
– Phần lớn các sản phẩm chống nắng trên thị trường hiện nay ít nhiều sẽ gây ra hiện tượng nhờn, rít hoặc trắng bệt khi thoa, nhất là các loại kem chống nắng hóa học có SPF từ 50 trở lên.
– Thế nên, một sản phẩm có nền kem mịn màng, không gây nhờn, rít khó chịu, vừa có thể giúp chị em dùng làm kem chống nắng hằng ngày, vừa có thể dùng làm kem khuyết điểm hoặc trang điểm nhẹ nhàng khi ra ngoài sẽ là lựa chọn hàng đầu cho chị em.