1. Vì sao phải chống nắng?
Bạn muốn da của bạn ít melanin để có thể trắng sáng, trở nên sang trọng và quyến rũ. Chống nắng giúp bạn không bị đen đi và không bị ung thư da do tia UV.
Bạn có làn da nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Ánh nắng là một trong những yếu tố khiến da của bạn trở nên trầm trọng hơn.
Bạn tẩy da chết, mong rằng da của bạn bớt mụn, sáng khỏe, giảm nếp nhăn. Lúc này, da của bạn yếu, dễ bắt nắng hơn bình thường, bạn cần phải chống nắng.
Bạn muốn dùng các sản phẩm chống lão hóa – chống oxy hóa. Ánh nắng là một trong những thủ phạm hàng đầu của quá trình oxy hóa. Nếu bạn chỉ chống lão hóa mà không chống nắng, thì nỗ lực của bạn là vô nghĩa.
Và bạn không muốn lỗ chân lông to. Ánh nắng sẽ làm giảm khả năng đàn hồi và nâng đỡ của trung bì. Bạn sẽ thấy càng về già, lỗ chân lông của bạn càng to.
Ánh nắng có giá trị diệt khuẩn, giảm mụn và được chứng minh là có tác động tích cực đến tâm lý con người, giúp mọi người lạc quan và vui vẻ. Ánh nắng giúp chúng ta sản sinh vitamin D, tổng hợp canxi, giúp chắc khỏe xương. Và cũng như oxi, ánh nắng đem lại sự sống, nhưng nó cũng cướp đi sự sống. Ánh nắng và oxi hóa có thể dẫn đến sự phát triển các tế bào lỗi, sinh ra bệnh ung thư.
Nếu muốn khỏe mạnh, sống lâu, và có làn da đẹp, thì chúng ta cần biết cách hưởng lợi từ ánh nắng và ngăn chặn những tác hại của ánh nắng.
2. Ánh nắng mặt trời là gì?
Phần lớn các tài liệu nói rằng nó là các bức xạ điện từ (một dạng năng lượng dạng sóng) có bước sóng nằm trong vùng mà mắt thường nhìn thầy. Cũng có tài liệu nói rằng ánh sáng mặt trời bao gồm cả vùng bức xạ điện từ mà chúng ta không nhìn thấy được.
Bao quát hơn, thì mặt trời có một năng lượng lớn khủng khiếp. Năng lượng đó làm bắn ra một loại hạt ánh sáng gọi là “photon”. Những hạt “photon” này truyền xuống mặt đất theo dạng hình sin, nó uốn lượn giống như những con sóng trên biển.
Đường truyền của ánh nắng
Tia sáng từ mặt trời được phân thành nhiều loại dựa vào bước sóng chúng tạo ra khi di chuyển:
Loại tia sáng | Bước sóng | Tỉ lệ các loại tia sáng khi tới mặt đất |
Tia tử ngoại UVC | 100 – 290 nm | 0% |
Tia tử ngoại UVB | 290 – 320 nm | 0.5% |
Tia tử ngoại UVA | 320 – 400 nm | 9.5% |
Ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt thường | 390 – 790 nm | 40% |
Tia hồng ngoại | Trên 700 nm | 50% |
Trong đó UVC là loại tia có bước sóng ngắn nhất và cũng là loại có khả năng hủy diệt cao nhất, động vật sẽ bị chết khi tiếp xúc với UVC. Nhưng thật may, chúng bị ngăn lại bởi tầng khí quyển trái đất.
Sau UVC, lần lượt là UVB và UVA, đây là 2 loại tia mà chúng ta cần quan tâm khi chống nắng.
UVB chỉ chiếm 0,5% tổng số bức xạ từ mặt trời chiếu xuống mặt đất, nhưng là tia bức xạ gây hại thứ 2, chỉ sau UVC.
Tia UVB có khả năng gây hại cao nhưng rất dễ bị cản lại bởi những vật cản thông thường như cửa kính, quần áo, … và nếu nó tiếp xúc với da thì chỉ thâm nhập được vào tầng biểu bì. Các tác hại mà tia UVB trực tiếp gây ra cho da là các vấn đề ở tầng biểu bì như: khô da, sạm da, cháy nắng, nám, tàn nhang, đồi mồi, kích ứng, …
Ngoài ra, UVB cũng là tác nhân trực tiếp dẫn đến bệnh ung thư da. Năng lượng từ tia UVB sẽ tạo ra nhiều gốc tự do, khiến cho tế bào ở lớp đáy bị tổn thương. Các tế bào này sẽ sinh ra những tế bào con bị lỗi. Nếu quá trình sinh sản ra tế bào con bị lỗi không được kiểm soát sẽ gây ra guy cơ ung thư da.
Lượng tia UVB ở mỗi thời điểm trong ngày có sự khác nhau, nhiều nhất là vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Lượng UVB trong mùa hè cao hơn mùa đông.
Nhiều người cho rằng chống nắng tức là bảo vệ da khỏi ánh nắng dữ dội của mùa hè hoặc tránh ánh nắng gay gắt ở khoảng thời gian giữa trưa. Nhưng họ không biết rằng đó mới chỉ là bảo vệ da khỏi UVB.
UVA được coi là “kẻ sát nhân thầm lặng”. Nó xuất hiện bất cứ khi nào có ánh sáng, vào mọi thời điểm có ánh sáng, mùa đông cũng như mùa hè. Một phần UVA còn có thể đi xuyên qua cửa kính.
UVA được chia làm 2 loại: UVA bước sóng ngắn (từ 320 – 340 nm), nó có thể ảnh hưởng đến tầng trung bì và gây ra sạm da, nám da. UVA bước sóng dài (từ 340-400 nm) có thể thâm nhập được vào trung bì của da. Nó phá hủy collagen, khiến da mất độ săn chắc.
UVA cũng làm giảm sức đề kháng và khả năng sữa lỗi của da. Về bản chất, từ nhỏ đến già, cơ thể chúng ta đều bị các gốc tự do phá hoại. Khi còn trẻ, khả năng tự sữa lỗi của cơ thể rất tốt. Nhưng khi già, sức tái tạo giảm, cơ thể sữa lỗi chậm chạp, và các lỗi này ngày càng nhiều dẫn đến ung thư. Vì thế, UVA là một tác nhân gián tiếp gây ra bệnh ung thư da.
3. Chống nắng và các chỉ số chống nắng:
“Chống nắng” là một khái niệm dễ hiểu nhằm, vì có vẻ như mọi người nghĩ rằng “nắng” là ánh sáng chói chang và gây nóng bức. Trên thực tế, ánh sáng mà mắt thường của chúng ta nhìn thấy được không phải là mối quan tâm của các nhà sản xuất mỹ phẩm. Thứ chúng ta cần chống chính là tia UV, nó không chỉ là ánh nắng chói chang chứa nhiều UVB của mùa hè, mà còn phải chống cả UVA.
Da của chúng ta có một khả năng chỗng tia UV tự nhiên và đó là melanin. Da càng có tối màu, lượng melanin càng nhiều, khả năng chống tia UV của da càng tốt. Làn da con người có thể có độ SPF (khả năng ngăn chặn tia UVB) trung bình từ 1,5 đến 2 (người da đen nhất có độ SPF tự nhiên là 4). Người da trắng có nguy cơ bị ung thư da cao gấp 70 lần so với người da đen.
Tác hại của tia UV lên da và cơ thể là như vậy, nhưng các nghiên cứu về chống nắng cho đến hiện tại chỉ mới hoàn thành ở việc chống UVB, việc chống UVA vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
SPF viết tắt của “Sun Protective Factor” – là chỉ số bảo vệ da khỏi ánh nắng. Về bản chất, SPF chỉ là chỉ số bảo vệ da khỏi UVB. Vì trong một thời gian dài, các chuyên gia chỉ nghiên cứu về UVB và cho rằng chỉ có UVB mới gây ra các tác hại cho cơ thể. Họ nghiên cứu các tác hại của UVB dựa trên việc để da tiếp xúc với ánh nắng cho đến khi nổi ban đỏ.
Có vài cách giải thích về chỉ số SPF, mà cách nào về lý thuyết thì cũng đúng cả. Ví dụ như SPF là số lần mà sản phẩm chống UVB có thể bảo vệ so với khả năng chống nắng tự nhiên của da. Có nghĩa là, nếu không chống nắng, da bạn mất 15 phút sẽ nổi ban đỏ, khi sử dụng sản phẩm có SPF là 2 (gấp 2 lần), thì bạn có thể ở ngoài nắng đến 30 phút.
Cách giải thích trên khá chính xác về lý thuyết, nhưng lại không phù hợp với thực tế. Bạn sẽ không thể bôi sản phẩm SPF 50 một lần mà ra ngoài trời trong vòng 750 phút (hơn 12 giờ), vì kem chống nắng của bạn sẽ trôi theo mồ hôi và khi bạn chạm vào các đồ vật.
Một cách hiểu khác, SPF là khả năng cản tia UVB của sản phẩm chống nắng. Ví dụ, sản phẩm có SPF 2 nghĩa là tăng gấp đôi sự bảo vệ cho bạn khỏi UVB với cùng thời gian ra nắng (so với khi bạn không dùng chống nắng), chỉ có một nửa (50%) lượng UVB thâm nhập được vào da của bạn. Sản phẩm SPF 10 sẽ tăng gấp 10 lấn sự bảo vệ cho da bạn khỏi UVB. Có nghĩa là bạn chỉ nhận 1 phần 10 lượng UVB so với bình thường, còn sản phẩm đó bảo vệ cho bạn 9/10 (90%).
Bên dưới là bảng chỉ số SPF và khả năng chống tia UVB:
Chỉ số SPF | Lượng UVB da nhận được sau cùng thời gian ra nắng | Khả năng chống UVB |
SPF2 | 1/2 | 50% |
SPF4 | 1/4 | 75% |
SPF8 | 1/8 | 88% |
SPF10 | 1/10 | 90% |
SPF15 | 1/15 | 93% |
SPF 30 | 1/30 | 97% |
SPF50 | 1/50 | 98% |
SPF70 | 1/70 | 98.6% |
SPF100 | 1/100 | 99% |
Mọi người thường nghĩ rằng SPF 100 phải tốt gấp đôi so với SPF 50, nhưng từ bảng trên, bạn có thể thấy rằng chúng không khác nhau nhiều. Vì thế, ở nhiều nơi, ngưỡng cao nhầt của SPF chỉ là “50+”.
Biểu đồ chỉ số SPF và khả năng chống tia UVB
Các sản phầm chống nắng trên thị trường Việt Nam hiện nay rất chú trọng việc bảo vệ da khỏi UVA, vì thế bên cạnh chỉ số SPF, thì bạn còn thấy ký tự PA (kèm theo một hoặc vài “+”).
Khác với SPF dành cho UVB, cho đến nay, chưa có một thang đánh giá UVA được toàn thế giới đồng thuận.
Ở Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa thông qua thang đánh giá dành cho UVA. Các nhà sản xuất kem chống nắng tại Mỹ tạm thời ghi trên nhãn mác là “Broad Spectrum SPF”, nghĩa là chỉ số chống nắng của họ hoạt động được trên một quang phổ rộng, vượt ngoài phạm vi bước sóng 290-320 nm của UVB và có một phần tác động nào đó đến UVA (bao nhiêu phần của UVA thì họ không xác định được).
Ở Vương quốc Anh thì sử dụng hệ thống đánh giá 5 sao Boots và Nhật Bản thì đưa ra ký hiệu PA.
Hiện tại, vì PA đang là hệ thống đánh giá phố biến nhất ở Việt Nam, nên chúng ta sẽ nói về PA. Trước khi hiểu về PA, bạn cần biết chỉ số PPD.
PPD đánh giá khả năng chống lại tia UVA bước sóng ngắn (320-340 nm) của sản phẩm. Nó sẽ xem xét rằng sản phẩm chống nắng có thể bảo vệ bạn khỏi sạm da hay không và trong bao lâu. Cách tính PPD cũng tương tự như cách tính SPF.
Còn PA là một cách quy đổi từ hệ thống đánh giá PPD. PA được đi liền với các “+” dựa vào chỉ số PPD cao hay thấp. Dưới đây là bảng chi tiết về hệ thống đánh giá PPD và quy đổi sang PA.
Chỉ số PPD | Khả năng chống UVA bước sóng ngắn (320 – 340nm) | Quy đổi sang PA |
PPD2 | 50% | PA+ (từ 50 – 74%) |
PPD4 | 75% | PA++ (từ 75 – 87%) |
PPD8 | 88% | PA+++ (từ 88 – 93%) |
PPD16 | 94% | PA++++ (94% trở lên) |
Lưu ý: hệ thống PA chỉ phân tích quá trình sạm da do tác hại của UVA bước sóng ngắn (từ 320 – 340nm). Chưa có một thước đo nào tính toán giá trị của sản phẩm đối với UVA có bước sóng dài, thứ có thể thâm nhập vào trung bì, phá hủy collagen và làm da chúng ta bị nhăn nheo, chảy xệ. Và chưa có bất kì một sản phẩm chống nắng nào trên thị trường cam kết được hiệu quả về vấn đề này.
Biểu đồ chỉ số PA và khả năng chống tia UVA
Tuy nhiên, có một vài thành phần trong mỹ phẩm được cho là có thể bảo vệ da bạn khỏi cả UVA bước sóng dài như sau:
Với bảng thành phần chống nắng trên, có thể thấy rằng, zinc oxide (kẽm oxit) là một thành phần rất ưu việt. Nó là thành phần vật lý (không tạo ra phản ứng hóa học, giảm tình trạng kích ứng trên da), duy nhất có thể bảo vệ da khỏi tất cả bước sóng của UVB và UVA. Đây là nguyên nhân khiến các sản phẩm chống nắng trên thị trường chuộng sử dụng nguyên liệu này. Nhược điểm của kẽm oxit là nó tạo ra màu trắng trên da.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: hầu hết mọi người đều chưa thể khai thác đúng các chỉ số SPF và PA như các sản phẩm chống nắng ghi trên nhãn. Cách sử dụng đúng như sau:
Nếu bạn bôi lên toàn bộ cơ thể, bạn sẽ cần khoảng 30 gram sản phẩm chống nắng. Con số này sẽ không hoàn toàn chính xác đối với tất cả các sản phẩm trên thị trường, vì khối lượng riêng của các sản phẩm là khác nhau.
Với các loại phấn trang điểm có chỉ số SPF và PA thì lượng dùng cũng tương tự như trên (2 miligram trên mỗi cm2 da mặt). Thông thường mọi người chỉ sử dụng 1/14 lượng tiêu chuẩn để trang điểm cho mặt nên sẽ không đủ để chống nắng hoàn toàn.
Khi thoa kem chống nắng, bạn nên vỗ sản phẩm lên da, không nên dùng tay để miết mạnh lên da, vì miết sẽ tạo ra một màng chống nắng mỏng hơn so với tiêu chuẩn.
Bạn cần phải thoa lại kem chống nắng sau mỗi vài tiếng. Vì: kem chống nắng dễ bị trôi theo mồ hôi hoặc khi da tiếp xúc với các đô vật khác. Và các thành phần chống nắng hóa học khi gặp tia cực tím sẽ bị biến đổi và không còn khả năng chống nắng như ban đầu. Bạn nên thoa lại sản phẩm sau mỗi 2 tiếng nếu bạn hoạt động ngoài trời và ra nhiều mồ hôi. Còn nếu bạn không hoạt động ngoài trời, ít đổ mồ hôi thì một ngày bạn chỉ cần thoa kem chống nắng 2 lần.
Nếu bạn có một quy trình chăm sóc da nhiều bước vào buổi sáng, thì kem chống nắng nên là sản phẩm thoa sau cùng (chỉ trước bước trang điểm).